Tái chế là một công việc quan trọng giúp chúng ta duy trì cuộc sống. Thử tưởng tượng nếu không có tái chế, rác thải sẽ tràn ngập khắp nơi, môi trường sẽ bị phá huỷ nghiêm trọng và con người có thể bị diệt vong bởi dịch bệnh, …
Vậy đâu là những sự thật thú vị về tái chế, đâu là cách tái chế đúng, và liệu chúng ta có đang hiểu nhầm về nó không? Cùng tìm hiểu với bao bì Châu Hùng nhé.
NỘI DUNG
Sự thật 1: Rác thải thực phẩm rất nguy hiểm
Rác thải thực phẩm là rác thải được tạo ra trong quá trình ăn uống, sinh hoạt của con người. Chính vì hầu hết chúng đều là hữu cơ nên khi phân huỷ, chúng sẽ tạo ta lượng lớn khí metan CH4 – loại khí mạnh gấp 25 lần khí nhà kính CO2. Tức là mỗi năm, lượng khí thải này có thể tương đương với việc tăng thêm một triệu rưỡi chiếc ô tô chạy trên đường.
Vậy đâu là cách tốt nhất để tái chế rác thải thực phẩm?
Đầu tiên, hãy tránh mua thừa thực phẩm, mua những thứ mà bạn không cần dùng đến mặc dù nó có mức giá rẻ hoặc đang được khuyến mãi. Việc này vừa có ích cho cả ví tiền của bạn, vùa có lợi cho môi trường.
Hoặc, bạn có thể lựa chọn ủ phân hữu cơ tại nhà để làm phân bón cho khu vườn của bạn. Việc này rất đơn giản, nó còn giúp bạn tiết kiệm tiền mua thực phẩm vì bạn có thể trồng thực phẩm cho mình và gia đình.
Sự thật 2: Tái chế một tấn giấy giúp tiết kiệm 13 cây xanh
Tái chế chỉ một tấn giấy sẽ giúp tiết kiệm 13 cái cây, 26.500 lít nước, 2,5 thùng dầu và 4.100 kilowatt điện mỗi giờ. Giấy có thể được tái chế từ năm đến bảy lần trước khi hết giá trị sử dụng. Đây là một sự thật hấp dẫn giúp thúc đẩy hành động tái chế giấy của mọi người vì giấy đang là vật liệu được sử dụng nhiều trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Tái chế giấy cũng giúp làm giảm một số lượng lớn khí thải nhà kính, và cũng góp phần làm giảm không gian chôn lấp rác thải, khi 1 tấn giấy tương đương với 3m3.
Cách để bạn tái chế giấy tại nhà là gì?
Trước tiên, hãy cố gắng giữ giấy của bạn không còn dính dầu mỡ hoặc thức ăn (Không cần bắt buộc, nhưng hãy cố gắng). Sau đó, cất gọn chúng vào một nơi khô ráo, khi đã có một lượng vừa đủ, bạn có thể đem chúng đến các khu tập trung rác thải hoặc bán nó cho những người thu mua.
Nếu bạn là một người sáng tạo, thì có vô vàn ý tưởng để bạn có thể bắt đầu. Với thùng carton chẳng hạn, bạn có thể tham khảo nó tại đây nhé!
Sự thật 3: Sản phẩm từ nhôm có thể tái chế 100%
Một lon nước ngọt bằng nhôm có thể tồn tại trong 500 năm nữa nếu bạn vứt bỏ nó ra ngoài môi trường. Nhưng nhôm lại là vật liệu có thể tái chế 100% vô thời hạn mà chất lượng vẫn đảm bảo. Đó là lý do mà nhôm vẫn đang được thu mua tại Việt Nam với mọi số lượng.
Tái chế nhôm chỉ tốn 5% năng lượng so với việc tạo ra sản phẩm mới. Bạn có thể tưởng tượng lượng điện tiết kiệm cho việc tái chế 1 lon nước ngọt có thể đủ cho chiếc ti vi của nhà bạn chạy trong 3 giờ đồng hồ. Thật đáng kinh ngạc phải không?
Cách tái chế nhôm tốt nhất chắc chúng ta đều biết rõ phải không nào. Nhưng bạn nên giữ một nguyên tắc để quá trình tái chế diễn ra suôn sẻ hơn, đó là hãy giữ chúng thật sạch.
Sự thật 4: Hạn chế sử dụng nhựa là tiên quyết để giảm ô nhiễm môi trường
Nhựa, đặc biệt là nhựa một lần đang được sử dụng một cách vô tội vạ tại Việt Nam. Mặc dù nó tiện dụng, nhưng chúng ta không thể vì một ưu điểm duy nhất đó mà bỏ qua vô số tác hại mà nó mang lại. Nhựa đang rải rác khắp các đại dương, giết chết hàng triệu sinh vật biển vô tội mỗi năm.
Không ai trong chúng ta có thể chắc chắn rằng trong cở thể mình, trong dòng máu đang chảy của chúng ta không chứa các hạt vi nhựa siêu nhỏ. Nhựa không thể phân huỷ hoàn toàn, chúng mất từ 20 đến 1000 năm để có thể phân huỷ thành những mảnh nhỏ hơn, và độc hại hơn.
Nhựa cũng là loại vật liệu có tỷ lệ tái chế thấp tại Việt Nam, phần lớn còn lại sẽ được đốt hoặc chôn vùi trong đất. Dù cách làm nào đi chăng nữa, chúng cũng đều gây hại cho con người.
Vậy đâu là điều tốt nhất bạn có thể làm với nhựa?
Đầu tiên, giảm tiêu thụ nhựa, nếu bạn có thể. Hãy mang theo bên mình các loại túi vải, túi sử dụng nhiêu lần để đựng đồ thay vì mua mỗi món hàng kèm theo một chiếc túi nilon.
Bạn cũng có thể yêu cầu cửa hàng sử dụng cốc giấy, ống hút giấy thay vì nhựa, hoặc an toàn hơn, mang theo ly và ống hút riêng của mình mỗi khi đi mua đồ uống. Rất nhiều cửa hàng có ưu đãi cho khách hàng làm điều này, vì họ biết, cả bạn và họ đều đang cố gắng vì môi trường.
Sự thật 5: Chai thủy tinh có thể mất 4000 đến 1 triệu năm để phân hủy
Thuỷ tinh chưa bao giờ được đánh giá là loại vật liệu bền vững, nhưng vì chúng an toàn, đặc biệt khi đựng thực phẩm nên vẫn được ưa chuộng. Tuy nhiên, nếu sử dụng nó vô tội vạ mà không biết cách tái chế, nó sẽ mất tới 1 triệu năm để có thể phân huỷ. Một chiếc chai thuỷ tinh bạn sử dụng trong 1 phút mà mất từng đó thời gian để biến mất, liệu bạn thấy nó có xứng đáng?
Cách tái chế thuỷ tinh đúng cách
Tin vui chính là chai thuỷ tinh có thể được tái chế 100% và vô thời hạn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, công nghệ tái chế của chúng ta chưa thực sự phát triển, vì thế bạn hãy cố gắng giữ chúng nguyên vẹn và sạch sẽ nhất có thể nhé. Việc này giúp chai thuỷ tinh tăng cơ hội được tái chế và sống thêm nhiều vòng đời có ý nghĩa khác.
Sự thật 6: Bìa carton có thể được tái chế tới 8 lần
Như đã nói ở trên, tái chế giấy là cách tạo ra sự khác biệt cho môi trường. Bìa carton là một sản phẩm cụ thể, được làm hoàn toàn từ giấy, cũng như vậy. Tuy nhiên, thay vì nói vật liệu giấy chung chung, thì carton lại là một phát minh vĩ đại vì nó có thể thay thế nhựa một cách tuyệt vời.
Không chỉ bao bì, rất nhiều thứ có thể phát triển từ giấy carton. Quá trình tái chế chúng cũng dễ dàng hơn nhựa rất nhiều. Và bạn cũng có thể dễ dàng tái chế chúng tại nhà.
Sự thật 7: 70% hoá chất độc hại đến từ chất thải điện tử
Khoa học công nghệ phát triển từng ngày, các sản phẩm điện tử cũng được phát triển mỗi giờ. Có thể nói ngành hàng điện tử là nơi sản sinh rất nhiều rác thải, do người tiêu dùng chỉ chăm chăm chạy theo mốt, luôn muốn mua các sản phẩm đời mới nhất. Chính vì thế, dù là mặt hàng từng có giá trị cao, chúng cũng rất dễ dàng được vứt ra ngoài bãi rác nếu hết giá trị sử dụng.
Tái chế mặt hàng này không phải điều dễ dàng vì nếu không đủ trình độ, không có thiết bị hiện đại thì chúng cũng giống như những loại rác thải thông thường, không thể được tái chế.
Nhưng rác thải điện tử lại có rất nhiều hoá chất độc hại như chì, thuỷ ngân, …chúng đều cực kỳ nguy hiểm cho con người và sinh vật sống.
Cách tái chế chất thải điện tử
Nếu thiết bị điện tử của bạn bị hỏng, đừng vội vứt bỏ, hãy đem nó đến những cơ sở sửa chữa chuyên môn, không phải để hy vọng sửa hoặc bán nó với giá cao, mà chính những người này sẽ biết đâu là bộ phận có thể tái sử dụng được, hoặc đâu là vật liệu độc hại cần tránh vứt ra ngoài môi trường.
Bạn có thể thay đổi các lựa chọn tiêu dùng của mình, như thay vì dùng pin 1 lần, hãy lựa chọn pin sạc, thay vì chạy theo mốt, hãy quan tâm đến nhu cầu sử dụng của bản thân.
Tất cả những đều trên đều góp phần giúp môi trường trở nên tươi đẹp hơn. Bạn có thể làm được chúng một cách dễ dàng, vậy tại sao lại chưa bắt đầu?